Tôi đã đi du lịch nước Mỹ như thế nào bài học kinh doanh rút ra là gì ???
Với vai trò là một khách hàng, tôi muốn chia sẻ điều này cho các chủ doanh nghiệp và những người bán hàng được biết và hình dung ra cách mà một khách hàng quan tâm đến việc đi du lịch và họ sử dụng những công cụ gì trong quá trình mua hàng.
Tôi tin rằng với kinh nghiệm đi du lịch qua 15 quốc gia (và hầu hết là tự đi) và đã đến Mỹ hai lần, mỗi lần trong khoảng thời gian ba (03) tuần thì đó cũng xứng đáng để chia sẻ với các anh chị về trải nghiệm marketing đối với chuyến đi này.
Bài học kinh doanh nghiệm ra từ việc đi du lịch nước mỹ ???
Đầu tiên tôi dùng Google tìm kiếm thông tin về lộ trình và các điểm đến. Tôi đọc kỹ các đánh giá của những khách hàng khác về các điểm đến, những lưu ý tốt xấu về những điểm đến, nơi ở và các món ăn, các khu vui chơi, tình trạng giao thông, phương tiện giao thông… è Nếu doanh nghiệp của bạn không xuất hiện trên Google, bạn đã bị mất khách hàng.
Sau đó tôi lên lịch trình cho mình đi từ sân bay đến các địa điểm du lịch sao cho nhanh nhất, tiết kiệm thời gian và chi phí nhất. Tôi sử dụng phần mềm ghi chú trên điện thoại.
Tôi dùng Google tìm kiếm và truy cập vào website của các hãng hàng không có đường bay thẳng hoặc bay nối chuyến (mà mình hay dùng từ tiếng Anh là transit đó). Tôi tìm kiếm thông tin về các chuyến bay, ngày bay và so sánh giá của các hãng trong từng ngày bay.
Tôi cố gắng đặt chuyến sớm nhất và xa nhất so với lịch trình dự kiến (khoảng 3 tháng trước khi đi) để có được giá tốt cho các chuyến bay. Tôi so sánh từng chủ đề như giá vé, thời gian bay, loại máy bay, món ăn, uy tín của hãng bay, và mức độ sao của thương hiệu (3 sao hay 4 sao hay 5 sao) để từ đó ra quyết định.
Nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn phải là giá vé và uy tín của hãng bay. è Nếu hãng hàng không của bạn không xuất hiện trên Google tìm kiếm trả phí (Google Search Ads) hoặc là tìm kiếm tự nhiên Google SEO hoặc danh tiếng của hãng hàng không của bạn không được biết đến thì không có người truy cập vào website của bạn, và bạn mất khách hàng.
Tôi dùng Google Drive để lưu lại lịch trình hàng ngày của tôi cho chuyến đi sắp tới. Tôi đánh dấu các điểm đến điểm thăm quan trên Google Maps. Điều này sẽ giúp bạn rất thuận tiện.
Tôi vào Airbnb.com để đặt khách sạn và căn hộ cho chuyến đi, trung bình mỗi khách sạn hoặc mỗi căn hộ tôi thường ở đó từ 1-2 đêm, vì lịch trình chuyến đi rất nhiều điểm.
Tại Airbnb.com tôi xem xét các bình luận, đánh giá “sao” trên đó và mức giá tiền để ra quyết định chọn căn hộ hoặc khách sạn. Rất may mắn là ngân sách cho chuyến đi cũng không quá ít nên tôi có nhiều sự lựa chọn. Tôi thường lựa chọn khách sạn 4 sao và 5 sao cho chuyến đi, hoặc căn hộ cao cấp vì giá cũng không chênh lệch nhiều lắm nên cứ chọn cao cấp cho nó an tâm.
Tất nhiên phí cho mỗi căn hộ cao cấp cũng từ 200-300 usd/ 1 đêm tùy vào địa lý cụ thể; giá tiền cho 1 đêm ở khách sạn 5 sao (Hilton tại Chicago) cũng khoảng 250-300 usd/ 1 đêm.
Vậy nếu bạn kinh doanh khách sạn, kinh doanh căn hộ cho thuê, giả sử bạn không có website, không có Fanpage, không tìm thấy trên Google, bạn không xuất hiện trên trang Airbnb hoặc các dịch vụ tương tự tại Việt Nam thì bạn làm sao để có khách đây? Người ta vẫn nói “buôn có bạn, bán có phường” trong trường hợp này phường chính là các dịch vụ nổi tiếng trong lĩnh vực mà bạn kinh doanh.
Khi chuẩn bị đi ra sân bay, tôi nói với trợ lý ảo “Siri” của tôi “Hey Siri, call me taxi to Hanoi Airport”… và thế là Siri hiện lên màn hình điện thoại và cả laptop Macbook Pro của tôi nữa danh sách những website cung cấp dịch vụ đưa đón sân bay, tất cả đều là Google Ads, tôi thậm chí còn chẳng bận tâm đến các thứ hạng từ thứ tư (04) trở xuống, cứ các kết quả 1,2,3 là gọi thôi (người ta gọi là thứ hạng tìm kiếm Top 3 trong Google Ads đó nhé).
Và thế là xe đón tôi tại nhà và tôi đi ra sân bay.
Trước khi đi nước ngoài, tôi chuẩn bị quần áo, mỹ phẩm, thuốc và thực phẩm (chủ yếu là mỳ tôm thôi), tiền mặt và thẻ thanh toán trực tuyến (Visa, Master có sẵn một số tiền mà tôi dự kiến tiêu) và đặc biệt là phải mua sạc dự phòng cho điện thoại, vì cái điện thoại là cái rất quan trọng với tôi khi đi du lịch nước ngoài, đặc biệt là đi xa như Mỹ và đến một nước công nghệ cao như Hoa Kỳ. Mọi thứ tôi cần là chiếc điện thoại đầy pin, sóng 4G mạnh và còn tiền dung lượng truy cập 4G và cài sẵn các ứng dụng (app) cần thiết: Facebook, Zalo, Google tìm kiếm, Google Maps, Airbnb, Apple Pay, Uber, Lyft, Yelp…
Tại nước Mỹ, tôi gọi xe bằng Uber hoặc Lyft để di chuyển giữa sân bay và khách sạn, di chuyển giữa khách sạn và các điểm du lịch.
Tôi thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ đã được tích hợp sẵn trong Uber và Lyft rồi. Với những phong cảnh đẹp, tôi chụp ảnh và quay video và chia sẻ nó lên Facebook và Zalo, thậm chí là đăng tải video lên Youtube để chia sẻ và lưu lại những khoảnh khắc tuyệt vời trong chuyến đi này. Tôi dùng Google hoặc Yelp để tìm kiếm những nhà hàng nổi tiếng trong khu vực và gọi xe đến đó để thưởng thức bữa ăn theo hương vị của người dân địa phương. Đó là những trải nghiệm rất riêng mà mỗi chuyến du lịch chúng ta đều mong muốn.
Tôi có thể sử dụng Facetime để gọi video call cho người thân ở nhà mỗi khi tôi đến một địa điểm đẹp để cho họ thấy những gì tôi thấy hoặc là thông báo về việc “vâng, con vẫn ổn, mọi người cứ yên tâm”…
Rất may là chúng ta đã có mọi thứ rất tiện lợi và sẵn sàng, trong tầm tay và chỉ cần một cái điện thoại. Thật khó tưởng tượng khi mà cách đây 20 năm trước hoặc lâu hơn nữa người ta đi du lịch như thế nào. Còn bây giờ, mọi thứ đều quá dễ dàng, trực quan và công nghệ.
Với góc độ là một người làm kinh doanh, bán hàng, marketing bạn sẽ rút ra được bài học gì cho mình. Công nghệ và Internet giúp bạn tìm thấy khách hàng, giúp khách hàng tìm thấy bạn. Công nghệ và Internet giúp khách hàng trải nghiệm sản phẩm và dịch vụ tốt hơn và dễ dàng hơn.
Việc của bạn – những người bán hàng, làm kinh doanh, làm marketing là phải xuất hiện ở những chỗ mà khách hàng tìm kiếm, xuất hiện ở những lúc mà khách hàng đang trải nghiệm để tăng tính trải nghiệm cho khách hàng.